Phòng và điều trị nhện đỏ hại cây trồng.

Cây trồng bị hại: Cây cà chua , Cây mè (vừng) , Cây ớt , Cây đào , Cây bông vải , Cây mai chiếu thủy , Hoa Lan , Cây hoa mai vàng , Cây hoa huệ.

Tên khoa học: Tetranychus sp.

Họ: Tetranychidae

Bộ: Acarina.

Vòng đời nhện đỏ.

Đặc điểm hình thái, sinh học của nhện đỏ Tetranychus sp.

Thành trùng hình bầu dục, thân rất nhỏ khoảng 0,4 mm, thành trùng đực có kích thước nhỏ, khoảng 0,3 mm. Toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu xanh, trắng hay đỏ với đốm đen ở 2 bên thân mình. Nhện có 8 chân, thành trùng cái màu vàng nhạt hay hơi ngả sang màu xanh lá cây. Nhìn xuyên qua cơ thể có thể thấy được hai đốm màu đậm bên trong, đó là nơi chứa thức ăn. Sau khi bắt cặp, thành trùng cái bắt đầu đẻ trứng từ 2 – 6 ngày, mỗi nhện cái đẻ khoảng 70 trứng.

Trứng rất nhỏ, hình cầu hoặc hình củ hành, bóng láng và được đẻ sát gân lá ở cả hai mặt lá (thường là được gắn chặt vào mặt dưới của lá, ở những nơi có tơ do nhện tạo ra trong khi di chuyển). Khoảng 4 – 5 ngày sau trứng nở.

Ấu trùng nhện đỏ rất giống thành trùng nhưng chỉ có 3 đôi chân. Những ấu trùng sẽ nở ra thành trùng cái thay da 3 lần trong khi những ấu trùng sẽ nở ra thành trùng đực thay da chỉ có 2 lần. Giai đoạn ấu trùng phát triển từ 5 – 10 ngày.

Nhện đỏ hoàn tất một thế hệ từ 20 – 40 ngày.

Đặc điểm gây hại của nhện đỏ Tetranychus sp.

– Nhện di chuyển rất nhanh và nhả tơ mỏng bao thành một lớp ở mặt dưới lá nên trông lá có màu trắng dơ do lớp da để lại sau khi lột cùng với bụi và những tạp chất khác. Chúng sinh sống và gây hại ở mặt dưới lá, cả ấu trùng và thành trùng (nhện trưởng thành và nhện non) nhện đỏ đều ăn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây khi lá bước vào giai đoạn bánh tẻ trở đi làm cây bị mất màu xanh và có màu vàng, làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lỗ (những chấm trắng vàng rất rễ nhận ra trên mặt lá), còn ở mặt dưới lá có những vết trắng lấm tấm giống bụi cám, nhìn kỹ thấy trên đó có lớp tơ rất mỏng.

– Khi nhện hại nặng lá cây bị phồng rộp sau đó cằn lại, vàng, thô cứng và sau cùng lá sẽ bị khô đi. Màu vàng của lá dễ nhìn thấy nhất là ở mặt dưới lá, làm giảm phẩm chất và năng suất trái. Khi mật số cao, cả cành non cũng bị nhện đỏ tấn công, cành cũng trở nên khô và chết.

– Nhện đỏ gây hại làm cho trái bị vàng, sạm và nứt khi trái lớn. Hoa bị hại có thể bị thui, rụng. Nhện còn có thể tuyền bệnh virus cho cây.

–  Nhện đỏ phát triển trong điều kiện khô hạn trong mùa nắng, cây bón nhiều đạm. Do có vòng đời ngắn nên thường mật số tăng lên rất nhanh và gây hại nghiêm trọng.  Chúng lan truyền nhờ gió và những sợi tơ, mạng của chúng.

– Đối với cây hoa lan: Nhện đỏ thường xuất hiện sớm ở mặt dưới của lá nên rất khó phát hiện, sau đó sinh sôi nảy nở rất nhanh, cắn hại lá, chích hút dịch bào trong mô lá lan tạo ra các đốm li ti dầy đặc màu nâu, rồi thành từng đám lớn. khi bị hại nặng ở đằng sau lưng lá xuất hiện các sợi tơ, làm cho lá bị vàng đi, khô và rụng.

Biện pháp phòng trị nhện đỏ Tetranychus sp.

  • Biện pháp canh tác, kỹ thuật:

+ Không nên trồng quá dầy làm cho vườn bị um tùm rậm rập, không thông thoáng, tán bị che phủ nhiều.

  • Đối với cây cảnh, cây bonsai: Không nên trồng hoặc đặt các chậu quá sát nhau để luôn tạo độ thông thoáng cho vườn. Thường xuyên kiểm tra bộ lá cây cảnh (nhất là những lá từ giai đoạn bánh tẻ trở đi) để phát hiện sớm và có biện pháp diệt trừ nhện kịp thời. Do cơ thể của nhện rất nhỏ vì thế để phát hiện nhện cần phải dùng kính lúp kiểm tra hoặc ngắt những lá mai nghi ngờ có nhện đặt vào giữa hai tờ giấy trắng rồi lấy tay vuốt nhẹ phía ngoài tờ giấy, nếu thấy trên mặt giấy có những chấm nhỏ màu vàng xanh, hồng hay đỏ thì lá đó đang có nhện gây hại, những chấm này càng nhiều thì chứng tỏ mật độ của nhện càng cao.

+ Bón phân dứt điểm thành từng đợt và phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nếu vườn bị nhện gây hại nhiều thì nên tăng cường bón thêm phân lân và kali.

+ Tỉa bỏ những cành, lá không cần thiết bên trong tán cây để tán cây luôn luôn được thông thoáng.

+  Tưới nước giữ ẩm cho cây trong mùa khô.

+  Vệ sinh đồng ruộng, hủy triệt để tàn dư cây trồng

+  Tưới phun với áp lực mạnh khi mật độ nhện cao.

  • Đối cới số loại cây hoa: Nhện đỏ hại cây hoa có một đặc điểm là nằm ở mặt dưới của lá, mà đa phần lá của các loại cây hoa lại nằm ở dưới thấp nên rất khó cho việc đưa vòi xịt thuốc xuống bên dưới để xịt ướt mặt dưới của lá (nơi nhện đang bu bám). Vì thế việc phun xịt thuốc hóa học để diệt trừ nhện thường cho hiệu quả không cao, đặc biệt nhện đỏ lại là một đối tượng dịch hại có khả năng kháng thuốc rất nhanh, nên nếu không thận trọng nhện sẽ gây hại nặng hơn.

​Để diệt trừ nhện chúng ta nên dùng biện pháp tạt té nước kết hợp với việc tưới nước cho cây, việc tưới nước còn có tác dụng tạt ướt hết mặt dưới của lá huệ làm cho nhện đỏ bị rửa trôi. Đối với một số loại hoa có thân và lá mềm chúng ta không nên dùng máy bơm nước vì hạt nước rơi xuống mạnh dễ làm rập gẫy lá, cũng không nên tưới bằng bình tưới có vòi hoa sen, vì cả phương pháp tưới bằng máy và tưới bằng vòi hoa sen chỉ làm ướt mặt trên của lá huệ mà không rửa trôi được nhện đang nằm ở mặt dưới của lá.

Để áp dụng cách tưới té nước khi trồng hoa, chúng ta nên lên liếp (lên mô) trồng hoa rộng khoảng 1,2 mét, các liếp cách nhau bằng một cái rãnh rộng khoảng 0,4 mét để chứa nước cung cấp cho việc tạt, tưới hoa. Khi tưới chỉ việc lội dọc theo rãnh nước rồi dùng tô, chậu nhỏ tạt nước từ dưới rãnh lên cây hoa. Mặt khác không nên trồng hoa theo bụi mà nên trồng dàn theo hàng ngang của liếp, để mỗi khi tạt té nước, nước ướt đều tất cả các lá của từng cây (do không lá nào bị che khuất). Hoa phải được tưới hàng ngày, mỗi ngày 2 lần, nếu ruộng hoa có rầy lửa (nhện đỏ) thì phải tưới ngày 3 – 4 lần. Với mục đích trừ nhện nên ngày nào đã có mưa vào buổi sáng, mặc dù đã cung cấp đủ nước cho cây huệ nhưng đến chiều cũng vẫn phải tưới thêm một cữ.

  • Biện pháp sinh học, tự nhiên: 

Thiên địch có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế mật số nhện đỏ như:

+ Nhện đỏ Galandromus (Metaseiulus) occidentalis, loài này có cùng kích thước với nhện gây hại nhưng thiếu các chấm và có màu vàng nhạt đến màu đỏ nâu, khả năng diệt nhện của loài này không cao lắm.

+ Bù lạch 6 chấm Scolothrips sexmaculatus có 3 chấm màu sậm trên mỗi cánh trước, bù lạch bông Frankliniella occidentalis có màu từ vàng chanh sáng đến nâu sậm.

+ Bọ rùa Stethorus sp.

+ Bọ xít nhỏ Orius tristicolor và Chysoperla carnea cũng là thiên địch của nhện đỏ.

+  Bọ trĩ ăn thịt

– Các loài thiên địch này thường khống chế nhện đỏ dưới ngưỡng gây hại nên không cần sử dụng thuốc hóa học để trừ nhện đỏ.

– Chú ý việc dùng thuốc hóa học nhiều dễ gây bộc phát nhện đỏ, do tiêu diệt thiên địch của nhện đỏ và nhện đỏ có khả năng quen và kháng thuốc cao.

  • Biện pháp hóa học:

– Nhện đỏ rất khó trị vì rất nhỏ và thường sống ở gần gân lá, nơi thuốc trừ sâu rất khó tiếp xúc, hơn nữa, nhện tạo lập quần thể rất nhanh nên mật số tăng nhanh và nhiều. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ nhện nhưng phải để ý đến quần thể thiên địch.

+  Phun các thuốc có hỗn hợp hoạt chất (Chlorantraniliprole + Abamectin)…

– Nếu vườn đào thường bị nhện gây hại nặng thì cứ mỗi đợt cây ra đọt, lá non nên phun xịt 3 lần thuốc trừ nhện: lần 1 khi cây vừa nhú đọt non, lần 2 khi đọt non ra rộ và lần 3 khi lá non bước sang giai đoạn bánh tẻ.

– Lưu ý cần sử dụng thuốc BVTV hợp lý để bảo vệ thiên địch. Tưới nước đầy đủ trong mùa nắng để làm tăng ẩm độ vườn. Chú ý dùng khi dùng thuốc cần luân phiên thuốc để tránh nhện hại lờn thuốc. Có thể dùng các loại thuốc như Comite, Pegasus, Kelthane, Ortus, Nissorun, dầu khoáng DC- Tron Plus.

– Đối với cây cảnh, bonsai: Khi cần thiết có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Danitol 10EC; Comite 73EC; Pegasus 500SG; Ortus 5SC; Cascade 5EC; Nissuran 5EC; Sirbon 5EC; Kelthane 18,5EC… hoặc dùng thuốc hóa học Methylated Spirit, Kelthane 1 thìa cà phê/1 lít nước, Malathion 30g/20 lít nước phun liên tục 1-2 lần/tuần. Chú ý phải sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng và luân phiên các loại thuốc để tránh nhện đỏ kháng thuốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *