Kỹ thuật điều khiển quá trình cây đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên Đán

Chăm sóc cây đào để đào nở hoa vào đúng dịp Tết, không phải chỉ tác động vào giai đoạn cuối mà phải tác động trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây.

Ngoài các biện pháp chăm sóc như tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa tạo tán… muốn cho cây đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán chúng ta cần phải thực hiện thêm các biện pháp kỹ thuật như: khoanh vỏ hoặc đảo cây, vặt lá (tuốt lá)… 

Vào tháng 10 -11 (tuỳ từng năm nhuận hay năm thường, phụ thuộc vào cây sinh trưởng tốt hay xấu để áp dụng) chúng có thể tiến hành các biện pháp sau:

1. Dừng bón phân, tưới nước cho đào

– Không bón phân, tưới nước muộn (từ tháng 10 trở đi).

– Phun tưới nước cũng là một công đoạn quan trọng vì đào phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tùy điều kiện trời mưa rét hay nắng ấm, người trồng đào phải phun nước ấm (hoặc nước lạnh) để kích thích đào nở sớm (hay hãm cho đào nở đúng dịp).

2. Hãm Cây, Kìm hãm sinh trưởng cho cây đào

2.1 Hãm cây bằng phương pháp đảo cây.

Ức chế sinh trưởng chiều cao và phân hoá mầm hoa bằng phương pháp đảo cây, săm rễ.

– Thời gian đảo cây: Giống Đào Bích đảo cây khoảng 1/8 (âm lịch), đào Phai 20/7, đào Thất Thốn 1/7

– Cách đảo cây: Đào 1 bầu cách gốc 20 – 25 cm, sâu 20 – 25 cm (tùy theo kích cỡ của cây), tránh làm vỡ bầu. Chọn ngày trời nắng để đảo và đảo vào buổi sáng. Khi đảo cây ta có thể bứng cây vào chậu luôn hoặc chuyển cây sang hố khác, lấp đất chặt gốc.

Lưu ý: Với phương pháp này, nếu như gặp thời tiết không thuận lợi, bộ rễ không kịp phục hồi và dưỡng cây có thể dẫn tới hiện tượng teo dăm, chết răm, cây không tích nhựa nuôi trồi hoa dẫn tới tình trạng hoa nở không đồng đều – hoa nhỏ, cánh mỏng.

2.2 Hãm cây bằng phương pháp khoanh vỏ cây.

Khoanh vỏ là biện pháp hãm cây nhằm hạn chế sự sinh trưởng, bắt cây chuyển sang giai đoạn ra hoa.

  • Thời gian khoanh vỏ: Các giống khác nhau sẽ có thời điểm khoanh vỏ khác nhau: Đào Bích là khoảng 15/8 (âm lịch), đào Phai là 5/8, đào Thất Thốn là 1/7. Hãm trước những cây khỏe, có toàn bộ lá xanh tốt. Hãm sau những cây yếu, một phần lá đã chuyển sang màu vàng. Không hãm những cây già. 
  • Cách khoanh vỏ: Chọn vị trí thân cây cách gốc 20 – 40 cm, dùng dao sắc khoanh 1 vòng tròn 360o sâu tới phần gỗ của cây, day đi day lại 2 – 3 lần để tạo ra vết khoanh rõ rệt. Cần khoanh vỏ vào buổi sáng ngày không mưa. Động tác khoanh vỏ chỉ thành công khi sau 1 ngày thấy nhựa cây đùn ra vết khoanh, và sau 2 – 3 đến một tuần, lá đào hơi chuyển màu từ xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rũ xuống là được. Nếu lá vẫn chưa chuyển là chưa được, cần phải hãm lại bằng cách khứa thêm một vòng khác ở trên vết cũ. Nếu vẫn chưa được lại phải hãm lần thứ 3.

Lưu ý: Với phương pháp này khi gặp thời tiết không thuận lợi như nắng hanh kéo dài có thể làm cho cây chết từ từ. Nếu khoanh chưa đủ thì chưa đạt phải khoanh lại, mà quá tay lại rất rễ chết cây. Đặc biệt với những cây non 1-2 năm tuổi do lớp biểu bì mềm và non thì phương pháp khoanh vỏ sẽ rất nguy hiểm.

2.3 Hãm cây bằng phương pháp kết hợp.

Ngoài các phương pháp đảo cây và khoanh vỏ có các mặt hạn chế kể trên, shopnongnghiep.vn đã khảo nghiệm thành công phương pháp Hãm đào kết hợp phương pháp 1 hoặc 2 kết hợp phun thuốc ức chế sinh trưởng, kích thích phân hoá mầm hoa.

Các hoá chất ức chế sinh trưởng, kích thích phân hoá mầm hoa:

  • Chlorormequat Chloride, Cycocel CCC: Hạn chế sinh trưởng, chiều cao, kích thích phân hóa mầm hoa.
  • Paclobutrazol: ức chế sinh trưởng, kích thích phân hóa mầm hoa.
  • Uniconazole – tác dụng tương tự Paclobutrazol nhưng hiệu quả và an toàn hơn.

Phun với nồng độ 5-7g/10L nước sạch khi cây đã trưởng thành, sử dụng với mục đích hạn chế chiều cao cây, tạo dáng, tạo thế cho cây hoặc thúc đẩy quá trình ra hoa. Có thể Phun kết hợp với các loại Lân, Kali đơn để tăng hiệu quả. Sau 3-5 ngày đọt non ngưng phát triển, lá chuyển màu xanh đậm – biểu bí lá dày có thể tiến hành khoanh vỏ hoặc săm rễ.

Ưu điểm: với phương pháp này không cần săm bỏ quá nhiều rễ hay khoanh vỏ sâu cây đào vẫn sẽ dừng phát triển và phân hoá mầm hoa bình thường. Phương pháp giảm đáng kể hiện tượng bỏ răm, chết cây ….

3. Tuốt lá đào

Giữa tháng 11 âm lịch, tuốt hết lá bằng tay hoặc phun thuốc hoá học.

Tuốt lá đào kích thích nụ hoa phát triển đúng dịp tết

Thường dùng Ethreel (thuốc dấm hoa quả Trung Quốc) 4 – 5 lọ (20-25ml)/10 lít nước, phun ướt đều tán sau 7-10 ngày lá rụng hết.

Với đào thế, nên đánh cây và trồng cây vào chậu trước khi tuốt lá 1 – 2 tháng.

Tác dụng của việc tuốt lá là để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp.

Thời điểm tuốt lá là vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch nhưng nếu năm nào thời tiết nóng thì cần tiến hành tuốt lá muộn hơn vài ngày, năm thời tiết rét nhiều thì cần tuốt lá sớm hơn vài ngày.

Sau khi tuốt lá xong, nếu trời nắng nóng kéo dài, phải làm giàn che và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán cây, pha phân ure nồng độ 1% phun lên thân lá hoặc tưới nhằm hãm cho đào không ra hoa sớm.

– Phun phân bón lá Đầu Trâu 701 nhằm kích thích ra nụ, ra hoa, hoa to, cánh dày, màu đẹp.

– Đào thuộc loại cây rụng lá hàng năm về mùa đông. Sau khi lá rụng, nụ hoa phát triển và lớn nhanh. Nếu cứ để tự nhiên thì đào rụng lá vào cuối tháng chạp và hoa nở vào cuối tháng giêng hoặc tháng hai năm tới. Cho nên muốn có hoa đẹp trong dịp Tết, đi đôi với việc hãm cây nói trên ta phải tuốt lá trước một thời gian. Thời gian đó dài, ngắn tùy giống, tùy cây mạnh hay yếu, cây tơ hay già.

Thường tuốt lá đào bích từ mùng 5 đến 20/11 âm lịch, đào bạch từ mùng đến 15/10 âm lịch. Những cây già, yếu thời gian tuốt lá chậm hơn so với những cây to khỏe.

– Cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá. Nên bứt từng lá. Không được một tay tuốt lá thẳng từ đọt xuống, làm như vậy tổn thương đến mầm hoa.

4. Thúc và hãm thời gian ra hoa cho đào

Mặc dầu đã thực hiện những biện pháp chăm sóc và điều khiển như trên, nhưng thời gian ra hoa có năm cũng không đúng Tết. Vì nếu gặp rét, hoa sẽ ra chậm. Ngược lại, gặp thời tiết ấm hoa sẽ ra sớm hơn. Do đó vấn đề thúc và hãm phải thực hiện trong những trường hợp cần thiết.

4.1 Thúc cho đào ra hoa đúng dịp tết.

Đầu tháng 12 âm lịch, nếu thấy các nụ hoa chưa nhú một cách rõ ràng, báo hiệu hoa sẽ nở chậm, cần phải thúc bằng cách: Tưới phân đạm Sunfat nitrat hay ure. Bới xung quanh gốc sâu độ 5cm, tưới phân Bắc, nước tiểu, đậu tương – đạm cá…. Tưới nước nóng 35 – 40oC.

Thắp điện sưởi ấm cho cây đào

Thắp điện sưởi ấm cho cây đào

Nếu rét đậm kéo đài (nhiệt độ < 10oC) quá 7 ngày thì hầu hết nụ đài bích sẽ bị toe nên ta phải sưởi ấm bằng cách bọc cây đào bằng túi nylon, phun nước ấm 40 – 50oC vào quanh gốc bổ sung 5 – 6 lần/ngày, thắp bóng điện vào ban đêm và phun phân bón lá Đầu Trâu 901, 902 kích thích cho đào ra hoa đúng tết.

4.2 Hãm thời gian ra hoa cho cây đào.

Vào hạ tuần tháng 11 âm lịch nếu thấy nụ hoa nhú to, có thể hoa nở sớm, cần áp dụng các biện pháp hãm là che ánh nắng, tạo bóng tối cho cây cả ngày trong thời gian 10 -15 ngày. Vừa che vừa theo dõi thời tiết và tiếp tục nghiên cứu cây. Làm giàn che lưới đen che cây kết hợp với pha phân ure nồng độ 1% vào nước lạnh phun nên thân lá hoặc tưới vào gốc.

Không tưới, không xới xáo. Dùng dao khứa quanh thân một vòng đứt vỏ như đã nói ở phần trên. Bới đất, chặt bớt rễ, dùng mai xén bớt từ 10 – 20% rễ, cần xén rải rác đều xung quanh gốc, liệu xén như bầu định đánh lên vào dịp Tết. Thúc, hãm chỉ làm trong trường hợp thật cần thiết. Vì cả hai trường hợp đều ảnh hưởng đến phẩm chất của hoa.

Tài liệu tham khảo: Giáo trình trồng và chăm sóc cây đào cảnh – Bộ NN&PTNT.

Khảo Nghiệm thực tế tại: Trung tâm khảo nghiệm giống – ShopNongNghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *